SEO Google là gì?

Tìm hiểu về SEO là gì?

Công cụ tìm kiếm hay bộ máy tìm kiếm (Search Engines) đã trở nên rất quan trọng và không thể thiếu trong thế giới internet và cuộc sống của mỗi người. Cùng xem một số dữ liệu dưới đây để xem các bộ máy tìm kiếm có sức ảnh hưởng như thế nào.

Tại Việt Nam có tới 57,1% người dùng tìm hiểu về thương hiệu trước khi quyết định mua hàng.

Và kênh lớn nhất để người dùng tìm hiểu về thương hiệu là mạng xã hội (62.6 %) và công cụ tìm kiếm (52.9%).

Kênh lớn nhất để người dùng biết tới một thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ mới là công cụ tìm kiếm (34.2%) và các quảng cáo trên tivi (34.1%).

Quảng cáo trên công cụ tìm kiếm cũng chiếm tới gần một nửa giá trị thị trường quảng cáo kỹ thuật số (Digital Advertising).

Công cụ tìm kiếm được sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam là Google với 90.9% thị phần. Ở thị trường quốc tế thì Google cũng chiếm một tỷ lệ lương tự.

Từ một số dữ liệu trên có thể thấy công cụ tìm kiếm là có sức mạnh rất lớn khi thường xuyên là một kênh chính để người dùng tìm hiểu thông tin về thương hiệu, tiếp cận được các thương hiệu mới hay sản phẩm mới.

Với những người làm marketing thì không thể bỏ qua một công cụ tiếp cận người tiêu dùng mạnh mẽ như vậy được.

Nên việc Marketing trên công cụ tìm kiếm (SEM – Search Engine Marketing) đã và đang là một kênh không thể thiếu của bất cứ nhãn hàng nào.

Khi người dùng sử dụng, tìm kiếm tại các bộ máy tìm kiếm thì sẽ được trả lại 1 trang danh sách các kết quả cho phù hợp để bạn lựa chọn và click vào xem tiếp. Thì cách để làm Marketing trên công cụ tìm kiếm thì chúng ta có 2 cách chính như sau:

  1. Bỏ tiền và mua các vị trí quảng cáo trên các công cụ tìm kiếm này. Thường biết tới với tên PPC (Pay Per Click – trả tiền cho mỗi lượt click).
  2. Tối ưu website để có thứ hạng tốt hơn trên trang các kết quả tìm kiếm tự nhiên. Và việc này gọi là SEO (Search Engine Optimization – Tối ưu hóa công cụ tìm kiếm)

SEO tại Google là sao?

Với việc Google trở thành công cụ phổ biến nhất thế giới cũng như tại Việt Nam thì việc làm SEO phần lớn được thực hiện tại Google. Vậy nên chúng ta sẽ tìm hiểu sâu hơn về việc làm SEO tại Google là như thế nào. Trước tiên hãy cùng xem lại trang tìm kiếm của Google ở dưới đây:

Chắc chắc không ai còn lạ gì mỗi khi gõ từ khoá (từ mà chúng ta gõ vào để tìm kiếm thông tin) tại Google nữa. Mỗi khi bạn gõ xong và tìm kiếm thì Google trả lại cho bạn các trang kết quả như bên trên.

Các trang kết quả tìm kiếm (SERPs – Search Engine Result Pages) sẽ bao gồm:

  1. Kết quả tìm kiếm trả tiền: Là các kết quả có chữ Quảng cáo ở đầu và bạn phải trả tiền trực tiếp cho Google để được xuất hiện tại đây.
  2. Các kết quả tìm kiếm tự nhiên: Đây là các kết quả mà Google tìm kiếm và đưa ra cho bạn. Google sẽ sắp xếp các kết quả phù hợp nhất với từ khoá mà bạn gõ vào, phù hợp với thời điểm và bản thân bạn thì sẽ được sắp xếp và hiển thị ở vị trí trên cùng.

Bạn sẽ không thể trả tiền cho bất kỳ bên nào để xuất hiện cũng như thay đổi vị trí các kết quả tìm kiếm tự nhiên. Để có thể tác động được vào đây thì bạn phải tối ưu lại website của mình (SEO) cho phù hợp với Google.

Như vậy thì SEO Google tức là tối ưu lại website cho phù hợp với bộ máy của Google để có được thứ hạng cao hơn tại phần kết quả tìm kiếm tự nhiên.

Tại sao lại cần làm SEO

Với việc có hàng tỷ tỷ website, bài viết trên Internet và mỗi lần tìm kiếm thì Google cũng trả về một rừng kết quả thì nếu bạn muốn có lượng truy cập vào website của bạn từ Google thì bắt buộc phải làm SEO. Phần dưới đây sẽ trả lời các câu hỏi:

SEO mang lại lợi ích gì cho bạn?

Website cần có mặt ở vị trí nào?

Nhược điểm của SEO

Nên làm SEO hay mua quảng cáo

Lợi ích mà SEO mang lại

Khi làm SEO để tăng hạng website của mình lên thì lợi ích mà các bạn nhận được là lượng truy cập (Traffic).

Từ lưu lượng truy cập này bạn sẽ tối ưu, điều hướng hay kết hợp với các kênh khác, chiến dịch marketing khác để mang lại mục tiêu cuối cùng bạn mong muốn như là đơn hàng, doanh số, độ nhận diện về thương hiệu… Rất nhiều người có suy nghĩ là cứ làm SEO hay chạy quảng cáo thì sẽ ra đơn hàng, có khách hàng, thì điều này không được chính xác.

Mục tiêu của SEO như nào sẽ cần phải bắt đầu và phụ thuộc vào mục tiêu của doanh nghiệp, mục tiêu của Marketing. Từ đó sẽ có ngân sách cho SEO cũng như chiến lược SEO phù hợp để đạt các mục tiêu đề ra.

Website của bạn cần có mặt ở vị trí số mấy để có được lượng truy cập tốt?

Một số dữ liệu dưới đây sẽ tham khảo tại bài viết của Brian Dean tại https://backlinko.com/google-ctr-stats hãy đọc chi tiết hơn bài này để hiểu rõ hơn về trang tìm kiếm của Google.

Vị trí số 1 với tỷ lệ click (CTR) cao nhất là 27,6%. Tổng lượng Click của 3 vị trí đầu tiên là 54,4%. Và chỉ có 0.63% người dùng có click ở trang thứ 2 của Google thôi. Vị trí số 1 sẽ có tỷ lệ click gấp 10 lần vị trí số 10.

Tỷ lệ click sẽ có thay đổi đáng kể bắt đầu ở vị trí số 2

Như vậy thì ít nhất bạn phải làm SEO để website có mặt trong trang 1 và để có khả năng được click nhiều, lượng truy cập tốt thì hãy ở vị trí số 1 hoặc 2.

Thế thì nên làm SEO hay là mua quảng cáo

Để quyết định là nên làm SEO hay mua quảng cáo tìm kiếm (Search Ads Hay PPC – Pay Per Click) thì cần tìm hiểu ưu và nhược điểm của SEO so với PPC là gì

Về mặt thời gian

Việc mua quảng cáo trả tiền PPC sẽ có kết quả ngay lập tức, Website của bạn sẽ có mặt trên trang kết quả tìm kiếm ngay tức thì. Còn SEO thì sẽ lâu hơn, thậm chí rất lâu để đạt được kết quả, để có thể có được vị trí Top 1 trên Google.

Ảnh Ahref

Như ảnh trên cho thấy thì với những từ khóa có lượng tìm kiếm trung bình và cao thì sẽ mất tầm 6 tháng trở lên bạn mới có thể có xếp hạng trong Top 10. Dưới 6 tháng làm SEO thì các từ khóa này vẫn có thể có xếp hạng tốt nhưng số lượng khá thấp và chủ yếu là các từ khóa có lượng tìm kiếm thấp.

Về mặt chi phí

Với PPC thì bạn sẽ chi trả trực tiếp cho Google để được hiển thị và trả tiền theo các click. Bạn sẽ luôn luôn phải trả tiền, bất cứ khi nào dừng trả tiền, hết ngân sách thì traffic về website của bạn sẽ đi về con số không.

Với những từ khoá có độ cạnh tranh lớn, nhiều đối thủ cùng thực hiện mua quảng cáo, giá Bid (giá đấu thầu cho từ khoá) càng ngày càng tăng thì chi phí cũng theo đó mà tăng lên mặc dù tỷ lệ chuyển đổi có thể sẽ còn thấp đi.

Ảnh Mangools

Với SEO thì khi người dùng click vào website của bạn bao nhiêu đi nữa bạn cũng không phải trả phí cho Google. Nhưng để có kết quả, xếp hạng ở vị trí tốt trong trang 1 của Google thì bạn cũng sẽ phải đánh đổi bởi thời gian và các chi phí khác cho bên thứ ba.

Với những doanh nghiệp không có đội ngũ làm SEO thì sẽ đi thuê một đơn vị agency để thực hiện SEO. Tuỳ vào website, các từ khoá bạn muốn làm cũng như các mục tiêu khác mà các đơn vị sẽ có báo giá cụ thể.

  • Một số bên sẽ báo giá và làm SEO tổng thể cho toàn bộ website cũng như đảm bảo hết các công việc của SEO.
  • Một số bên thì sẽ tính tiền theo từng từ khoá riêng lẻ khi lên Top, đạt KPI từ nào thì lấy tiền từ đó.

Nhưng nhìn chung thì chi phí là không hề rẻ nếu muốn thuê các Agency tốt trong ngành và bạn sẽ phụ thuộc khá nhiều vào các đơn vị này.

Với những doanh nghiệp có thể xây dựng đội ngũ SEO cho riêng mình thì có thể kể tới các chi phí như:

  • Chi phí nhân sự
  • Chi phí đầu tư vào nội dung (Bài viết, hình ảnh, video…)
  • Chi phí xây dựng link (liên kết website)
  • Chi phí mua các công cụ SEO

Ở trên là một vài chi phí chính thường gặp, đương nhiên không nhất thiết là phải chi trả tất cả như vậy thì mới có thể lên Top được. Nhưng ở đây có thể thấy là SEO không phải là hoàn toàn miễn phí như một số người nghĩ.

Được cái là ngân sách cũng khá linh hoạt. Nhiều tiền thì đầu tư nhiều, ít tiền thì cố gắng bỏ công sức và thời gian ra nhiều hơn. Không phải cạnh tranh gay gắt như quảng cáo, search ads mà Bid thấp quá thì cũng không có được hiển thị nhiều và vị trí tốt đâu.

Ảnh Backlinko

Như vậy thì có thể thấy SEO sẽ là một khoản đầu tư dài hạn, khi nào website bạn đạt thứ hạng tốt với các từ khoá mong muốn sẽ là lúc hái quả. SEO sẽ phù hợp với những bên có ngân sách thấp, có thời gian chờ đợi trong lúc từ khoá lên Top, SEO cũng sẽ phù hợp hơn với các từ khoá có mục đích là tìm hiểu thông tin.

PPC thì phù hợp hơn với các bên có ngân sách cụ thể cho việc quảng cáo, phù hợp với các giai đoạn ngắn hay giai đoạn mở đầu khi SEO còn chưa lên Top, phù hợp với các từ khoá rất khó để làm SEO lên top và các từ khoá có mục đích về mua hàng.

Với doanh nghiệp có ngân sách, muốn làm lâu dài bền vững, tiếp cận khách hàng tối đa, có nhân sự phụ trách ở các mảng thì có thể thực hiện cả hai.

Ở phía trên chúng ta đã tìm hiểu về các điểm cơ bản về SEO cũng như các ưu và nhược điểm. Và phần dưới cùng tìm hiểu cụ thể xem làm SEO thì làm những việc gì và làm thế nào để làm tốt việc SEO này, đặc biệt là SEO Google.

Trước tiên để làm SEO Google tốt phải hiểu rõ cơ chế hoạt động của Google Search

Google search hoạt động như thế nào?

Ảnh Mangools

Bộ máy tìm kiếm của Google sẽ hoạt động theo các bước cơ bản như sau:

Bước 1: Crawling – Tìm kiếm, thu thập dữ liệu

Bước 2: Indexing – Lữu trữ, sắp xếp dữ liệu

Bước 3: Ranking – Xếp hạng

Bước 4: Hiển thị kết quả ra cho người tìm kiếm

Bước 1:

Google có một con bot gọi là Google bot và sẽ đi càn quét khắp các trang web trên thế giới, chúng đi đeo các đường dẫn, link liên kết để phát hiện ra các web mới

Bước 2:

Khi một trang web được Googe bot phát hiện ra thì Google sẽ xử lý, kết xuất và lưu trữ lại trong cơ sở dữ liệu của Google, mỗi trang được lưu lại gọi là index.

Sau này khi người dùng tìm kiếm thì thực chất là tìm kiếm trong cơ sở dữ liệu của Google chứ không phải là khi người dùng tìm kiếm thì Google mới đi tìm trên toàn bộ các website trên internet để trả về kết quả cho bạn đâu.

Vậy nên việc được Google Index (Đánh chỉ mục) là việc rất quan trọng với người làm SEO. Nếu trang web nào không được Google index, lưu trữ vào cơ sở dữ liệu của mình thì các bạn không thể tìm kiếm trên Google về trang web đó.

Bước 3: Ranking

Sau khi đã thu thập được dữ liệu rồi thì khi người dùng tìm kiếm bất kỳ thứ gì trên Google. Bộ máy này sẽ sắp xếp và trả lại kết quả cho người dùng. Nhưng dựa vào đâu mà Google có thể sắp xếp hàng tỷ kết quả như vậy?

Google dựa vào các thuật toán và xét tới rất rất nhiều yếu tố, tín hiệu mà đưa ra được các kết quả phù hợp nhất. Những yếu tố chính mà Google nói tới

  • Ngữ nghĩa của từ khoá tìm kiếm
  • Mức độ liên quan của nội dung
  • Chất lượng của nội dung (Tìm hiểu thêm về EEAT)
  • Sự thân thiện của trang web (Ví dụ như là phù hợp với điện thoại, tốc độ tải web nhanh, website an toàn…)
  • Bối cảnh, các cài đặt, tín hiệu của người dùng

Google sử dụng rất nhiều thuật toán khác nhau, các yếu tố khác nhau để xếp hạng. Các thuật toán này cũng thường xuyên được thay đổi và điều chỉnh các trọng số của từng yếu tố xếp hạng. Google thường xuyên đưa ra các giải pháp cải tiến để làm sao trả lại một trang kết quả phù hợp, chính xác, hữu ích nhất với từng người dùng khác nhau.

Vậy nên để làm SEO Google được tốt thì hãy hiểu rõ bộ máy tìm kiếm của Google, các yếu tố xếp hạng cơ bản và luôn cung cấp nội dung hữu ích, tốt nhất cho người dùng. Hãy liên tục tối ưu website cho người dùng chứ không phải cho bộ máy tìm kiếm.

Đó sẽ là các SEO tốt nhất, bền vững nhất khi mà bạn và Google có chung một mục tiêu là làm hài lòng người dùng. Bạn sẽ không còn lo sợ mỗi lần Google cập nhật thuật toán nữa.

Tới đây Google search sẽ có nhiều thay đổi khi áp dụng thêm AI vào việc hỗ trợ trả lời các câu hỏi của người dùng. Đọc thêm bài này để cập nhật về các update sắp tới của Google: https://gucgo.com/google-marketing-live-2023/

Các công việc chính của một người làm SEO

Dưới đây là một số công việc chính mà mỗi người làm SEO sẽ thực hiện để có kết quả tốt cho web của mình. Các phần chỉ nói sơ qua để những người mới nắm bắt được các công việc này là gì. Để đi sâu vào từng phần sẽ cần phải có bài viết riêng để giải thích và hướng dẫn cụ thể.

Nghiên cứu từ khoá

Nghiên cứu từ khoá là công việc bắt buộc mỗi khi bắt đầu làm SEO. Vì đây là phương pháp duy nhất để nghiên cứu xem người dùng thật sự tìm kiếm gì, thật sự gõ gì vào khung tìm kiếm. Từ đó sẽ hiểu thêm về người dùng, chân dung khách hàng mục tiêu và lên được phương án SEO cụ thể hơn. Bạn sẽ không thể SEO hết tất cả các từ khoá đâu, cần phải chọn lọc lại cho phù hợp với mục tiêu.

Việc này sẽ sử dụng các công cụ nghiên cứu có sẵn trên thị trường, có cả miễn phí và trả phí. Nhưng công cụ tốt nhất vẫn luôn là Keyword Planner của Google luôn. Chỉ cần đưa vào một vài từ khoá thì Google sẽ tìm ra và gợi ý các bạn thêm hàng trăm từ khoá khác mà người dùng tìm kiếm.

Tối ưu Onpage

Onpage là các tối ưu mà người làm SEO thực hiện ở trên trang web của mình. Ví dụ như tối ưu về liên kết trong trang web (Internal Link), cấu trúc website, sitemap, tốc độ tải trang, tối ưu ảnh, tối ưu về tiêu đề, mô tả bài viết…

Tối ưu Offpage

Là các phương pháp tối ưu mà người làm SEO thực hiện nhưng không phải trên website của mình. Thường nói tới việc xây dựng backlink (Các liên kết từ website khác trỏ về website của mình), xây dựng các tín hiệu từ mạng xã hội…

Theo dõi, phân tích, báo cáo và lên kế hoạch

Làm SEO bạn sẽ phải liên tục theo dõi và phân tích tình hình xem những biến động với website như nào, tiêu cực hay tích cực và lên kế hoạch để cải thiện tình hình.

Thường xuyên nhất là theo dõi thứ hạng từ khoá xem tăng hay giảm như nào, lưu lượng truy cập ra sao, các chỉ số về người dùng như tỷ lệ thoát, thời gian ở trên trang có tốt không…

Công cụ SEO

Để việc làm SEO được tốt hơn, nhanh chóng hơn thì một người làm SEO luôn có các công cụ hỗ trợ bên mình. Dưới đây là một số công cụ chính và được nhiều người sử dụng

Công cụ tổng hợp

Vì trong các công cụ này sẽ bao gồm rất nhiều tính năng như phân tích website, theo dõi từ khoá, theo dõi backlink, nghiên cứu từ khoá, phân tích website đối thủ… Vì tính chất thập cẩm như thế nên mình gọi là công cụ tổng hợp.

Và tên được nhiều người dùng biết tới nhất là Ahref Semrush cũng được sử dụng tại Việt Nam nhiều bởi dữ liệu từ thị trường Việt Nam khá tốt.

Bộ công cụ rất mạnh và giúp ích rất nhiều cho SEOer nhưng giá là rất cao cho những cá nhân làm SEO hoặc doanh nghiệp nhỏ mà ngân sách cho SEO còn hạn chế.

Nhưng các thanh niên Đông Lào thường có những nhóm mua chung, share tài khoản để dùng chung các công cụ này để có chi phí rẻ hơn rất nhiều, bù lại thì khi dùng chung là sẽ không ổn định, tốc độ chậm, bị khoá tài khoản liên tục. Nên nếu được thì nên mua thẳng để sử dụng sẽ tốt hơn. Người ta cũng có tiền mà phát triển tool cho các bạn dùng.

Theo dõi thứ hạng từ khoá

Tuy các công cụ tổng hợp mình nói ở trên có phần theo dõi thứ hạng từ khoá rồi nhưng do các công cụ đó quá đắt đỏ hoặc bị giới hạn số lượng từ, cũng như thời gian cập nhật. Nếu muốn tăng thêm từ khoá để theo dõi lại bị tính phí thêm cho nên sẽ có rất nhiều công cụ khác chuyên dùng để theo dõi thứ hạng từ khoá, phân tích thứ hạng.

Một trong số đó là Serprobot là công cụ có giá khá rẻ so với mặt bằng chung các công cụ theo dõi từ khoá, cập nhật tự động hàng ngày và độ chính xác là tương đối cao.

Nghiên cứu từ khoá

Google Keyword Planner vẫn là công cụ số một mà bạn nên sử dụng. Khi có chi phí các bạn có thể sử dụng thêm các công cụ khác của Ahref hay keywordtool.io hay kwfinder

Các công cụ này có thể nghiên cứu, gợi ý thêm cho bạn từ khoá. Cũng như Google Keyword Planner với nhiều từ nhạy cảm, Google không cho bạn nghiên cứu từ khoá, không có gợi ý cũng như tìm kiếm lượng search luôn. Thì lúc này bắt buộc phải sử dụng các công cụ khác để nghiên cứu thôi.

Theo dõi website, traffic

Các công cụ này sẽ giúp bạn theo dõi tình hình website, tình hình SEO như thế nào:

Google Search Console: Công cụ bắt buộc phải dùng với SEO Google. Web mới thì dùng để khai báo cho Google biết, sau này thì có số liệu cho bạn biết tình hình cụ thể SEO ra sao, lượng click như nào, từ khoá nào đang vào top, website có vấn đề gì không, có bị Google phạt không…

Google Analytics: Đã quá nổi tiếng về việc đo lường các chỉ số cho web rồi. Có bản mới update là GA4 đó, nên cài luôn từ bây giờ, bản cũ tới năm 2023 là sẽ bị Googe cho bay mầu.

Công cụ SEO thì cũng là một phần quan trọng và có rất rất nhiều công cụ SEO phụ vụ các nhu cầu riêng biệt khác nhau. Tính năng và giá cả khác nhau, nên mình chỉ giới thiệu những công cụ chính và thường xuyên được sử dụng nhất. Các bạn cần tool nào khác thì cứ tìm Google là có rất nhiều

Nơi học, tham khảo tài liệu về SEO

Để nói về SEO thì đã có rất rất nhiều bên có các tài liệu, bài viết, video nói rất cụ thể và chi tiết rồi. Các bài viết bằng tiếng Việt cũng rất nhiều, nhưng với các bạn mới mà chưa biết đọc thêm ở đâu thì có thể tham khảo trang này https://learningseo.io/

Trang web kia không có bài viết về SEO chi tiết đâu nhưng đưa ra 1 lộ trình (Roadmap) về SEO rất đầy đủ và chi tiết, phân mục rõ ràng. Và với mỗi phần thì khi bấm vào chi tiết các bạn sẽ thấy link tới các bài viết để cho các bạn đọc thêm. Các bài này phần lớn cũng vẫn đến từ các tên tuổi lớn trong ngành SEObiz như: Ahref, Semrush, Backlinko, Moz…

Nguồn tham khảo:

  1. https://datareportal.com/reports/digital-2022-vietnam
  2. https://backlinko.com/google-ctr-stats
  3. https://ahrefs.com/blog/seo-vs-sem/
  4. https://mangools.com/blog/learn-seo/

Leave a Comment